Có rất ít hoặc không có thông tin công khai nào về việc kiểm duyệt nghệ thuật ở Việt Nam —với một hệ thống báo chí tập trung vào nghệ thuật vẫn còn ở giai đoạn sơ khai, chỉ có một vàitrường hợp kiểm duyệt mới thỉnh thoảng thu hút được sự chú ý của truyền thông. Trong quá trình tìm hiểu và phỏng vấn cho bài viết này, các trường hợp kiểm duyệt đa phần là qua lời kể, rất ít được đưa tin hay ghi chép một cách hệ thống, khiến cho việc kiểm chứng thông tin khó khăn.
Những trường hợp kiểm duyện không được nhắc đến ở bất kì thảo luận công khai nào, mà thay vào đó là sự thừa nhận ngầm khi một buổi triển lãm mở ra chỉ có một màn hình TV đã tắt, một bức tường hay một chiếc bục trống trải. Những bàn luận không chính thức diễn ra trong phạm vi của cộng đồng nghệ thuật, qua những lời thì thầm suy đoán về lý do vì sao tác phẩm, hay nghệ sĩ tạo ra nó, hoặc cả hai, lại bị thách thức. Sự vô lý khiến nỗi thất vọng dâng trào, nhưng rồi cuộc sống cứ thế tiếp tục. Mọi việc sẽ lại diễn ra như một ngày bình thường. Họ không thể làm gì khác ngoài việc thể hiện sự cảm thông, hoặc có những người sẽ đề xuất một phương án trưng bày thay thế dành cho các tác phẩm không thể xuất hiện. Bất chấp vô số những nỗ lực sáng tạo khác nhau mà đôi khi có thể cho thấy David nhỏ bé có thể giành chiến thắng trước Goliath khổng lồ, việc phải sáng tác trong một môi trường bị kiểm soát bởi sự mơ hồ, ngờ vực, và sợ hãi nơi ai cũng phải cảnh giác với việc “tuýt còi” không lường trước được, không khỏi làm nhiều người thực hành cảm thấy mệt mỏi.
Giấy phép triển lãm: Nộp hay Không Nộp
Theo Nghị định 23/2019/NĐ-CP về Hoạt động Triển lãm của Chính phủ Việt Nam, tất cả các triển lãm mỹ thuật và nhiếp ảnh đều phải xin giấy phép hoạt động. Về lý thuyết, thủ tục cho việc xin giấy phép cũng như những yếu tố cấu thành nội dung bị cấm có vẻ đơn giản, nhưng thực tế lại chứng minh ngược lại. Để “hợp pháp hóa” một buổi triển lãm phải có một yêu cầu cấp phép được gửi từ bên triển lãm. Yêu cầu này phải bao gồm hình ảnh và mô tả chi tiết bằng văn bản về tất cả những tác phẩm sẽ được trưng bày triển lãm. Đối với các buổi triển lãm cấp quốc gia, hồ sơ được gửi tới Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; đối với các triển lãm cấp địa phương hay triển lãm cá nhân, yêu cầu gửi tới Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Hầu hết các không gian nghệ thuật đã đăng ký ở Việt Nam đều phải xin giấy phép triển lãm, trong khi các không gian nghệ sĩ hay những phòng trưng bày thương mại tồn tại dưới dạng “cửa hàng” trên giấy tờ thì không. Ban tổ chức trong các không gian thuộc trường hợp thứ hai luôn phải lưu ý khi quảng bá các sự kiện của họ bằng cách gọi sự kiện là “trưng bày” thay vì “triển lãm”, hoặc hoàn toàn không đề cập tới hình thức của sự kiện. Trong khi đó, đối với các không gian nghệ thuật đã đăng kí, quy trình xin giấy phép thường khá lắt léo, đôi khi còn không hợp lý ở một mức độ nhất định. Bởi bên cạnh đơn đăng ký, ban tổ chức còn phải nộp đầy đủ bản ghi lại bằng tiếng Việt cho các tác phẩm phim, video, và âm thanh tới Sở Thông tin và Truyền thông. Nhiều khi các tác phẩm bị từ chối cấp giấy phép không phải vì nội dung mà là vì độ dài của chúng — chẳng hạn như người kiểm duyệt không thể dành thời gian để duyệt một video lặp lại dài mười hai tiếng.
Theo khoản 8 Nghị định 23/2019/NĐ-CP về Hoạt động triển lãm, một số loại nội dung bị nghiêm cấm: nội dung chống phá nhà nước, kích động chiến tranh, xung đột giữa các dân tộc, xuyên tạc sự thật lịch sử, tiết lộ bí mật của tổ chức/cơ quan mà không được sự đồng ý của tổ chức/cơ quan đó, hoặc vi phạm nếp sống văn minh.
Still from Placebo (2019) by Phan Anh. Image courtesy of the artist.
Tuy nhìn qua có vẻ rõ ràng như vậy, nhưng nhiều lúc các nghệ sĩ vẫn còn bối rối khi tác phẩm của họ không được phép trưng bày. Một trường hợp điển hình là một video tài liệu có độ phân giải thấp về một buổi trình diễn kéo dài, trong đó người nghệ sĩ khắc những ký tự khó hiểu trên các khúc gỗ (Hình 1a & 1b). Video đó được cho là không phù hợp vì có thể gây ảnh hưởng không lành mạnh tới giới trẻ. Việc sử dụng các cảnh quay thực về các cuộc biểu tình và đình công lan truyền trên mạng được coi là nội dung nhạy cảm, gây chia rẽ, đe dọa tới sự đoàn kết quốc gia. Đã có rất nhiều những phàn nàn cho rằng các quan chức chính phủ chịu trách nhiệm thẩm định và cấp phép cho các tác phẩm nghệ thuật không được trang bị kiến thức cơ bản về nghệ thuật và các hoạt động văn hóa.
Tuy nhiên, sau một khoảng thời gian “cùng làm việc với nhau” — cách mà các bên tổ chức thường miêu tả về tương tác giữa họ và cơ quan cấp phép — cả hai bên dường như tìm được điểm chung, thể hiện ở việc giảm sự khó khăn trong quy trình, giảm thời gian chờ đợi và đôi khi là đi đến một thỏa thuận miệng không chính thức.
Thế nhưng, giấy phép triển lãm không phải là một lệnh bài miễn tử cho các triển lãm, bởi sẽ luôn có một bên liên quan khác tham gia: cảnh sát văn hóa thuộc Bộ Công an. Trong trang phục thường ngày, cảnh sát văn hóa sẽ đến địa điểm triển lãm mà không báo trước, nhiều lần dẫn đến việc các tác phẩm bị dỡ bỏ, hoặc thậm chí hủy bỏ buổi triển lãm. Đôi khi, họ có nhận thấy triển lãm đang trưng bày phiên bản chưa được cấp phép của một tác phẩm, nhưng cũng có những lúc họ vẫn yêu cần xét duyệt lại một tác phẩm hay toàn bộ triển lãm, mặc dù đã có sự đồng ý tổ chức từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Những cuộc kiểm tra bất ngờ này đã gây ra không ít phiền toái, và trong nhiều năm, các nhà quản lý nghệ thuật cũng phát triển được ít nhất một kỹ năng đặc biệt đó là nhận biết công an mặc thường phục trong các buổi triển lãm chỉ thông qua diện mạo của họ.
Những Chiến thuật sáng tạo
Vì việc thay đổi chính sách gần như là bất khả, những người làm văn hóa thường tự giải quyết vấn đề bằng các chiến thuật sáng tạo, hay điều mà nghệ sĩ kiêm giám tuyển Bill Nguyễn mô tả là “sức mạnh của việc biên tập” trong cuộc trò chuyện trước đây của chúng tôi. Mặc dù trong hầu hết các ngữ cảnh, “biên tập” là hành động sửa đổi, cô đọng và sắp xếp lại các từ ngữ để văn bản có vẻ mạch lạc hơn. Nhưng ở đây “biên tập” đề cập đến một kỹ năng cần thiết khi chuẩn bị hồ sơ xin giấy phép triển lãm: đảm bảo thông điệp và nội dung của triển lãm của tác phẩm ngắn gọn, rõ ràng và dễ hiểu, đồng thời chọn làm nổi bật các chi tiết mà họ biết sẽ không thu hút sự chú ý không mong muốn từ hội đồng xét duyệt.
Việc biên tập cũng xuất hiện dưới hình thức đặt tên tiếng Việt cho các nghệ sĩ không phải người Việt Nam, vì quy trình cấp phép còn phức tạp hơn khi triển lãm có “yếu tố nước ngoài”. Có thể thấy được sức mạnh của biên tập khi nó mang lại cho tác phẩm cơ hội thứ hai được hiện diện, ngay cả khi chỉ dành cho một lượng khán giả nhỏ hơn thông qua các buổi chiếu riêng hoặc nền tảng trực tuyến được bảo đảm. Một số nghệ sĩ và nhà tổ chức thậm chí còn công khai hành động kiểm duyệt như một tuyên bố – chẳng hạn, bằng cách để lại ghi chú hoặc che đi các bức tranh thay vì không để lại dấu vết của kiểm duyệt – như một cách nhắc nhở về hiện trạng tự do biểu đạt nghệ thuật ở Việt Nam.
Tuy vậy, dẫu cho việc chỉnh sửa có vẻ hữu ích và quyền lực, nó cũng làm dấy lên nguy cơ của việc tự kiểm duyệt — dù vô thức hay cố tình — trở thành một thực hành tiêu chuẩn. Biết rõ nội dung nào có thể vượt qua được quá trình sàng lọc nội dung, một số bên tổ chức triển lãm thậm chí sẽ khuyên nghệ sĩ điều chỉnh tác phẩm của họ, hoặc cố ý chọn các tác phẩm sẽ không vi phạm Điều 8 trước khi gửi đi hồ sơ xin xét duyệt. Một số người sẽ tránh né các thảo luận liên quan đến chính trị hoặc các vấn đề xã hội trong các tài liệu về triển lãm của họ hay trên mạng xã hội. Biết rằng tác phẩm của họ sẽ không bao giờ được cấp phép, một vài nghệ sĩ đã quen với việc đối mặt với những thách thức từ chính quyền trước đây sẽ thường chọn triển lãm ở nước ngoài thay vì Việt Nam.
Bắt nguồn từ ý định không gây rắc rối cho bất kỳ ai, những quyết định này thường được coi như sự bất tiện hoặc sự hy sinh nhỏ cho bức tranh lớn hơn: là việc có thể giới thiệu tác phẩm tới công chúng. Tuy nhiên, sẽ thật mệt mỏi và thậm chí là nản lòng đối với các nghệ sĩ, giám tuyển và nhà quản lý nghệ thuật nếu luôn phải làm việc trong nỗi sợ hãi thường trực này. Từ nỗi sợ đó, họ thực hành nhiều cách khác nhau để đối phó, và theo một cách nào đó, điều này đã tạo nên sự độc đáo của nền nghệ thuật địa phương. Nhưng mặt trái của nó chính là sự ngột ngạt trong biểu đạt nghệ thuật, với nhiều ý tưởng bị kết án tử trước khi chúng có thể thành hiện thực.
About the author(s)
Linh Le (b.1993) is a curator, researcher and writer from Vietnam.